Cần cù bù thông minh(Tục ngữ Việt Nam)

Xin chào các bạn tân sinh viên thân mến,

Mình tên là Bùi Thị Bảo Châu, là cựu sinh viên Chương trình Tiên Tiến Công nghệ Thực Phẩm khóa 37 – năm 2011 (lớp DH11TP). Mình đã ra trường vào năm 2016, thi tuyển ở lại trường làm giảng viên năm 2017, và hiện tại với sự chấp thuận của trường mình đang theo học chương trình đào tạo Thạc Sỹ tại trường ĐH Tokyo (Nhật Bản) với học bổng toàn phần của Tập đoàn Ajinomoto Nhật Bản.

Một số bạn khi đọc qua những thông tin về thành tích của mình trước đây khi ngồi trên ghế giảng đường đã inbox ngay cho mình và hỏi rằng “Bạn có thể chia sẻ kinh nghiệm học tập làm sao để đạt những thành tích như thế không?” Thật sự những lúc ấy mình vừa thấy vui, tự hào, nhưng cũng đồng thời rất bối rối, vì không biết bắt đầu từ đâu…

Và rồi mình nghĩ rằng, có lẽ mình sẽ không chia sẻ kinh nghiệm, mà sẽ kể cho các bạn câu chuyện học tập của mình chăng?

Mình sinh ra trong gia đình có truyền thống học tập. Cả ba và mẹ mình đều là giảng viên và chị gái mình học cũng rất giỏi và cũng đã trở thành giảng viên. Nhưng các bạn biết không, IQ của mình không hề cao, chỉ ngang mức trung bình. Từ khi bắt đầu đi học, mình đã gặp rất nhiều khó khăn, những con điểm toán đầu cấp trung tiểu học của mình – khi mà bạn bè toàn được 7-8 thì mình chỉ có 4-5. Mình đã rất buồn và sợ. Và mẹ của mình khi ấy, đã động viên mình bằng câu tục ngữ mà mình trích dẫn ở đầu bài Cần cù bù thông minh

Với tôn chỉ này, những ước mơ của mình từ khi bé dần dần trở thành hiện thực.

Các bạn có thể thắc mắc chúng ta đều đang nói đến việc học đại học, sao mình lại bắt đầu kể từ tít thời xa xưa ấy làm gì?

Học tập, là một quá trình. Và quá trình ấy kéo dài liên tục. Vì mình không thông minh, thậm chí đôi khi chậm hiểu, nên tất cả mình có thể làm là cố gắng nỗ lực thật nhiều, mỗi ngày, và trong suốt quá trình.

Để chuẩn bị cho kỳ thi đại học, mình đã miệt mài giải hàng trăm đề thi cũ, đề tham khảo.

Và khi đã đậu vào đại học, mình chưa từng nghĩ rằng “đại học là học đại” hay “sinh viên không thi lại thì không phải sinh viên”. Với mình, đã là học tập thì cấp nào cũng như nhau và cũng cần sự đầu tư nhất định.

Ở đại học, sẽ không còn sách giáo khoa, hay đề tham khảo.

Ở đại học, sẽ hiếm có cảnh kiểm tra miệng, truy bài bất ngờ.

Đại học, là nơi mà bạn học kiến thức, và học cách tự học lấy kiến thức. Là nơi bạn tự chọn lấy những gì mình cần để chuẩn bị cho tương lai của mình, và theo đuổi nó.

Nếu như ở cấp ba chúng ta than phiền sao phải học môn A làm gì, sao môn B chẳng cần thiết mà cũng phải học làm chi, thì ở đại học chúng ta được quyền lựa chọn môn học. Mà đã là lựa chọn của bản thân, thì bản thân phải có trách nhiệm với lựa chọn đó.

Tuy ở chương trình tiên tiến, mình không được chọn môn học, nhưng thực chất các môn học có trong chương trình đã sẵn là những môn học tiên quyết và cần thiết cho ngành học Công nghệ Thực phẩm. Vì vậy, mình đã xem chúng như là môn học mình chọn để có tâm lý thoải mái khi học.

Sự thực là lên đại học mình không đến mức cày ngày cày đêm như các cấp trung tiểu học, mà mình học một cách có khoa học. Học đại học không chỉ là học thuộc nội dung bài giảng, mà là nắm lấy và biết cách ứng dụng nội dung ấy.

Thầy cô là những người đi trước, học tập và truyền lại cho chúng ta những gì học được, cũng như định hướng cho tự bản thân chúng ta chủ động đi tìm lấy kiến thức. Khi hiểu như vậy, mình không hề thấy những yêu cầu thuyết trình nhóm của thầy cô là nặng nề mà ngược lại rất “có lý” khi giúp mình có cơ hội tự tìm lấy kiến thức, chưa kể là còn giúp mình làm quen được với bạn bè khi làm việc nhóm. Bên cạnh đó, việc làm việc nhóm còn giúp mình học được điều hay và rút kinh nghiệm những điều chưa hay của bạn bè. Và quan trọng nhất, là rèn luyện cách đặt hết tâm sức của mình vào bất kỳ công việc nào mình nhận.

Trước mỗi môn học, các thầy cô đều cho chúng ta 1 slide giới thiệu “tài liệu tham khảo”, và công việc của mình lúc đấy là đi tìm cho ra những tài liệu tham khảo đó. Để làm gì? Ở trên lớp, khi nghe bài giảng của thầy cô, mình biết rằng đó chính là kiến thức thầy cô tóm tắt lại một cách đơn giản và súc tích từ những tài liệu tham khảo đó, củng cố thêm từ những kinh nghiệm và nghiên cứu riêng của bản thân. Thế thì, nếu như mình chịu khó tìm hiểu nội dung của những tài liệu tham khảo đó trước, mình không những có thể chuẩn bị trước để hiểu rõ hơn bài giảng mà còn có cơ hội hiểu sâu hơn về vấn đề. Bên cạnh đó, mình cũng hiểu rằng không có cái gọi là kiến thức tuyệt đối. Khoa học phát triển từng ngày từng giờ. Thậm chí đôi khi, một quan điểm cho đến ngày hôm qua vẫn còn đúng, thì ngày hôm nay có khi đã có nhà nghiên cứu đưa ra được những bằng chứng thuyết phục chứng minh điều ngược lại. Chủ động đọc tài liệu chính là cách mà chúng ta cập nhật được kiến thức một cách nhanh và hiệu quả nhất.

Mình không biết ở cách ngành học khác thế nào, nhưng với mình, ngành Công nghệ Thực phẩm thật sự rất hay. Con người cần ăn để sống, và những môn học của Công nghệ Thực phẩm mở ra cho mình những bí ẩn – từ làm sao mà từ cục bột bé xíu có thể nở căng ra thành cái bánh mì giòn tan ngon lành thơm phức mà khi bé ta đi ngang hàng bánh vẫn hay hít hà, cho đến vì sao mà có những loại nguyên liệu được gọi là siêu thực phẩm có tác dụng thần kỳ. Mình học, không phải chỉ vì điểm 9-10 trên bảng điểm (đương nhiên nó cũng quan trọng, cho tương lai nữa mà), mà mình học còn vì mình thực sự thích và thấy những gì học được là rất thú vị và có ứng dụng thực tiễn. Đó chính là động lực để mình cố gắng nghe giảng khi đến lớp và đọc thêm tài liệu ở nhà.

Về việc học và sử dụng tiếng Anh như ở chương trình Tiên tiến, mình chỉ có 1 điều muốn nhắn nhủ, đó là “Khi bạn đam mê điều gì, bạn sẽ tìm thấy con đường để theo đuổi đam mê đó”. Mình đam mê tiếng Anh, xem tiếng Anh như là một sở thích mỗi ngày. Một phần có lẽ nhờ các cô giáo dạy tiếng Anh đầu tiên cho mình đã truyền cảm hứng đó cho mình, khiến mình cảm thấy tiếng Anh thật thú vị. Mình học tiếng Anh miệt mài, bằng nhiều phương pháp khác nhau và không ngại ngùng cố gắng sử dụng nó thật nhiều những khi nào có thể. Đọc tài liệu môn học bằng tiếng Anh cũng là cách mà mình trao dồi vốn tiếng Anh cơ bản hằng ngày cũng như tiếng Anh chuyên ngành và tiếng Anh dùng trong khoa học. Mình biết rằng các bạn ở chương trình tiếng Việt ít có cơ hội dung và sử dụng tiếng Anh hơn ở chương trình Tiên tiến, nhưng đó sẽ không thể là trở ngại nếu bạn thực sự muốn học và dùng tiếng Anh. Mình nghĩ, cơ hội đôi khi là do chính chúng ta tạo ra.

Trong quá trình học, có những lúc mình cực kỳ hoang mang, có những lúc mình hoàn toàn không hiểu gì về bài học, và có những lúc vấp ngã ở các kỳ kiểm tra thi cử, nhưng mình không bao giờ ngừng cố gắng, buông xuôi. Có rất nhiều lý do để mình làm thế, nhưng to lớn nhất với mình chỉ là một câu hỏi “nếu ngừng lại bây giờ thì liệu sau này mình có bắt đầu lại và tiếp tục lại được không?” Đáp án cho câu tự vấn đó của mình luôn luôn chỉ có một, và mình đã tiếp tục tiến lên phía trước.

Đến bây giờ, cho dù mình đang được nhận học bổng, học ở một trong những nước tiên tiến nhất thế giới, mình cũng có lúc muốn buông bỏ. Đó là sự thật. Du học có nhiều màu sắc, mà với cái đứa oặt ẹo như mình thì nó xám ngoét. Cô đơn, buồn chán, thua sút bạn bè, đủ lý do để mình bỏ về. Nhưng mình bây giờ, ở đây, ngồi tại phòng thí nghiệm gõ những dòng này, mình biết đáp án cho câu hỏi trước đây của mình vẫn chỉ có một, và mình sẽ lại cố gắng tiếp tục để hoàn thành ước mơ hoài bão của bản thân.

Con người không ai hoàn hảo, nhưng biết cố gắng nỗ lực vì một bản-thân-tốt-hơn là cách mà chúng ta tiến lên trong cuộc sống. Học tập có lúc lên lúc xuống, lúc buồn lúc vui, nhưng quan trọng nhất là bạn không ngừng nỗ lực, vì chính bản thân mình và tương lai của mình trước hết.  

Các bạn tân sinh viên thân mến.

Học đại học chán hay vui, dễ dàng hay khó khăn, tất cả là tùy thuộc vào quyết định của chúng ta. Mình tin rằng mọi công sức và đầu tư đều sẽ nhận được thành quả tương ứng, bởi vì Có công mài sắt có ngày nên kim

Mình hy vọng sau khi đọc câu chuyện của mình các bạn sẽ dành thời gian suy nghĩ thật kỹ về lý do, động lực và tương lai của chính mình trước khi bắt đầu một cấp học “lớn” của bản thân, và sẽ cố gắng thật nhiều, để trưởng thành, và đạt được thành công như mong đợi.

Chúc các bạn luôn vui.

Tokyo, ngày 27 tháng 8 năm 2018

 

 

Số lần xem trang: 2465
Điều chỉnh lần cuối:

Học vụ

Thời khóa biểu học kỳ 1 năm học 2023-2024 (31-08-2023)

Lịch thi học kỳ 2 năm học 2022-2023 (20-05-2023)

Thời khóa biểu học kỳ 2 năm học 2022-2023 (03-02-2023)

Lịch thi học kỳ 1 năm học 2022-2023 (08-12-2022)

Chương trình tiên tiến ngành Công nghệ Thực phẩm tuyển sinh năm 2022 (22-02-2022)

Phương án tuyển sinh năm 2022 (17-02-2022)

Thông báo về việc bố trí chỗ ở cho sinh viên khóa 2021 (15-02-2022)

Thông báo điều chỉnh kế hoạch dạy học học kỳ 2 năm học 2021-2022 (15-02-2022)

Thông báo lịch thi kết thúc học phần học kỳ 2 năm học 2020 - 2021 (Thi trực tuyến - Đợt 2) (08-01-2022)

Thông báo nộp học phí học kỳ 2 năm học 2021-2022 (06-01-2022)

Xem thêm ...
Chào bạn !
X

Xin mời bạn đặt câu hỏi !

Họ tên
 
Email /Fb/Điện thoại:

Nội dung:

Số xác nhận : chín chín hai tám bốn

Xem trả lời của bạn !

logolink